Chăm bé sơ sinh – cùng trải qua cuộc chiến với thế hệ CŨ
Lần đầu làm mẹ, lại là một dược sĩ nữa nên mình háo hức lắm. Lên kế hoạch sẽ chăm con theo EASY, rồi nuôi con kiểu Nhật, đọc sách ehon,… Mơ mộng nhiều lắm, nhưng thực tế lại không hề dễ dàng chút nào. Hành trình chăm con khoa học chưa bao giờ là dễ dàng. Không chỉ riêng mình mà rất nhiều mẹ chăm con đều phải trải qua cuộc chiến với thế hệ CŨ, với những kinh nghiệm cũ, lạc hậu.
Mình từng nghĩ thật may mắn khi có mẹ chồng tâm lý cho đến khi có em bé!
Lúc mới lấy chồng, ai cũng bảo mình có số hưởng vì có bà mẹ chồng quốc dân, vừa tâm lý lại vừa yêu chiều hết mực. Tuần nào cũng túi lớn túi bé nào rau, thịt, trứng gửi lên Hà Nội cho 2 vợ chồng tẩm bổ. Nhưng phải đến khi sống chung, có em bé rồi mới thấy đời không giống như mơ các mẹ ạ.
Bầu bị nghén nhiều, ngửi mùi đồ ăn lại nôn nên chẳng ăn uống được nhiều. Vậy nên mình rất chăm uống vitamin, rồi sắt, canxi, DHA,… Không thiếu loại gì. Trộm vía mẹ thì gầy xanh xao nhưng Hấu thì tăng cân rất đều và khoẻ mạnh. Nhưng mẹ chồng mình thì không nghĩ như vậy. Với bà thì cháo cá chép, trứng ngỗng, gà hầm mới là tốt, còn bổ bầu, vitamin uống vào chả được gì cả. “Bầu phải ăn gấp đôi gấp ba bình thường chứ như thế ăn thua gì. Người gầy khô thế làm sao con có chất, đến lúc đẻ kiểu gì”. Mình mệt nên cũng đành tặc lưỡi cho qua.
Đến khi sinh Hấu cũng là lúc dịch bùng nặng nhất, không về ngoại ở cữ được. Chồng thì bị cấm tiệt không cho vào “Phong tục ở đây như vậy. Đàn ông đàn ang ai lại đi nằm cùng bà đẻ như thế!”. Sinh nở là lúc cần chồng bên cạnh nhất thì lại bị cấm, mẹ đẻ cũng không ở cạnh được, tủi thân kinh khủng. Đêm nào cũng chỉ biết ôm con khóc thầm.
Nhưng những chuyện đó chưa là gì với những khác biệt về quan điểm nuôi dạy Hấu. Là một bà mẹ hiện đại, mình xác định ngay từ đầu sẽ cho con theo EASY, tốt cho con mà mẹ thì đỡ vất vả hơn. Nhưng không ai ủng hộ em cả, em cô đơn trong chính gia đình chồng.
Biết là thời gian đầu con chưa quen sẽ khóc nhiều, nhưng dần dần mọi chuyện sẽ vào nề nếp hơn. Nhìn con khóc gắt ngủ, mình cũng đau thắt từng khúc ruột. Nhưng trong mắt bà, mình là bà mẹ không tốt, không yêu con, không chăm con. “Mẹ chả hiểu bây giờ nuôi con kiểu gì. Con khóc thì không bế cho nó ngủ đi, cứ để gào lên như thế. Sữa thì không cho bú lại còn bày đặt hút. Chả hiểu học mấy cái linh tinh ở đâu. Ngày xưa nuôi con dễ như không, bố với các chú nó vẫn lớn lên khoẻ mạnh, thành đạt.” Mỗi lần con khóc là bà bế lên ru, cho nằm võng rung, cho con ti bình. Rồi thơm má, thơm môi. Toàn những điều không tốt cho con, nhưng nhắc thì bà lại là câu chuyện ngày xưa vẫn thế có sao đâu… Có thể ngày xưa nó đúng, nó tốt cho em bé. Nhưng mỗi thời mỗi khác, bây giờ mọi thứ khác hơn rất nhiều rồi. Không thể giữ mãi quan điểm lạc hậu thế được.
Mình đã rất nhiều lần nói chuyện với bà về chuyện mình chăm Dưa Hấu thế nào. Rồi cho bà xem cả các video chuyên gia nói về lợi ích chăm con theo EASY, ăn dặm tự chỉ huy,… nhưng nhận lại vẫn là sự phản đối. Mình chưa bao giờ nghĩ chuyện được tự chăm con theo ý mình, chăm con khoa học lại khó khăn đến thế!
Bí quyết dung hòa giữa CŨ – MỚI để được chăm con theo cách của mình!
Chăm con vất vả, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lại không được ủng hộ. Rồi suốt ngày bị nói ra nói vào là không biết cách chăm con, toàn học linh tinh, vớ vẩn,… Mình chán nản, suy sụp, chỉ muốn buông xuôi để mặc bà nuôi con theo kinh nghiệm của bà, theo kiểu ngày xưa! Nhưng những lúc nhìn con ti bình ngon lành, nằm ngủ ngoan, chơi vui mình lại không đành lòng. Con cần điều kiện tốt nhất để phát triển, lớn lên từng ngày, mình phải đấu tranh để được chăm con theo cách của mình – chăm con khoa học!
Thật ra dù là mình hay bà đều rất thương Dưa Hấu. Chỉ là bà đã quen với cách chăm cũ, quen với những quan niệm cũ. Biết là người lớn tuổi thường rất cố chấp với quan điểm của mình, nhưng không thể vì thế mà mình bỏ cuộc, con có quyền được chăm sóc khoa học, được sống trong điều kiện tốt nhất.
Các cụ ngày xưa vẫn bảo “xa thơm, gần thối”. Cái này CŨ nhưng mà ĐÚNG thật các mẹ ạ. Sau khi trải qua nhiều mâu thuẫn thì mình nhận ra mẹ chồng – nàng dâu nếu có thể thì nên hạn chế ở chung sẽ tốt hơn. Nếu có điều kiện thì mua nhà ở cùng tầng, cùng toà nhà, khu phố với ông bà. Không quá gần để xảy ra mâu thuẫn nhưng vẫn không quá xa, ông bà vẫn có thể sang thăm con, thăm cháu. Hoặc như nhà mình, sau rất nhiều trận cãi vã thì mình quyết định để bà về quê, thỉnh thoảng hai vợ chồng cho cháu về chơi. Cuộc sống mình như bước sang trang mới, dễ thở hơn hẳn. Không còn những trách móc, cãi vã nữa, mà bà cũng thấy thoải mái hơn nhiều. Khoảng cách vẫn là chân ái các mẹ ạ.
Ngoài ra thì chị em cũng cần xác định việc bất đồng giữa mẹ chồng, nàng dâu là không thể tránh khỏi. Đến mẹ ruột sinh ra mình, nuôi dưỡng và sống chung bao nhiêu năm cũng có những lúc không bằng lòng, vậy thì mẹ chồng sao tránh khỏi. Quan trọng nhất vẫn là thái độ của mình khi đối diện, lạt mềm thì buộc chặt. Thời gian đầu bà phản đối như thế nhưng mình không phản bác lại ngay mà giải thích dần dần, tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia. Thấy con ăn ngoan, ngủ ngoan, tăng cân đều, bà cũng dịu lại, không còn phản đối như trước nữa. Mình tin rằng sự chân thành xuất phát từ trái tim sẽ chạm được tới trái tim, mọi người sẽ dần hiểu nhau hơn. Và hành trình chăm con sẽ không phải là cuộc chiến nữa, mà là hành trình đầy yêu thương và cùng con khám phá những điều mới lạ.
Đặc biệt, các mẹ nên tự chủ kinh tế thì sẽ bớt áp lực hơn rất nhiều. Vật chất vẫn quyết định rất nhiều đến ý thức. Ví dụ có điều kiện mẹ có thể chọn thuê người chăm con, làm việc nhà thay vì phải nhờ mẹ chồng trông cháu rồi tranh cãi chuyện này chuyện kia. Có điều kiện hơn thì cũng có thể cho con những điều tốt hơn, đời sống gia đình thoải mái hơn. Vậy nên mới nói phụ nữ thì nên độc lập, tự do mới hạnh phúc được các mẹ ạ.
Quan trọng là mẹ cần kiên nhẫn, mưa dầm thấm lâu. Mình chăm con khoa học, con ăn ngoan, ngủ ngon, chơi vui tự khắc ông bà sẽ dần mở lòng hơn, cởi mở hơn. Chăm con sẽ trở thành những trải nghiệm hạnh phúc và đáng nhớ chứ không phải cuộc chiến nữa! Hy vọng những kinh nghiệm từ chính quá trình mang thai và chăm sóc bé Mây của em sẽ giúp các mẹ vượt qua được cửa ải mang tên THẾ HỆ CŨ và có thể chăm con khoa học nhất nhé!
Sản phẩm liên quan
Bài viết khác cùng chuyên mục
- Cách uống canxi Ostelin cho bà bầu trong thai kỳ
- Bà bầu nên kiêng gì trong 3 tháng đầu
- Ba tháng đầu, bà bầu không uống sắt có sao không?
- Bà bầu nên bổ sung sắt loại nào dễ hấp thu?
- Vitamin tổng hợp bầu 3 tháng đầu đầy đủ mà tiết kiệm
- Bầu 3 tháng cuối nên uống canxi loại nào hấp thu tốt, ít nóng táo
- Bà bầu 3 tháng đầu dùng Elevit 30 viên có cần bổ sung thêm gì không?
- Thực phẩm bổ sung canxi cho bà bầu ngon – bổ – rẻ
- 2 nguồn thực phẩm bổ máu cho bà bầu
- 3 điều cần chú ý khi dùng canxi Bio Island cho bà bầu